So sánh phân khúc bán tải Nissan Navara EL và Mitsubishi Triton 4×2 AT
INVECS II là tên gọi của mẫu hộp số mà Mitsubishi trang bị cho hai phiên bản Triton số tự động. 5 cặp bánh răng không hẳn là gì đó quá
Vào thời điểm ra mắt, Nissan NP300 Navara EL đã thật sự trở thành tâm điểm của phân khúc xe bán tải với những tính năng, trang bị “khác lạ” so với các đối thủ: hộp số tự động 7 cấp và hệ thống treo sau đa liên kết sử dụng lò xo trụ, ống giảm chấn thay cho nhíp lá thông thường. Nhưng liệu với hai điểm mới đó, Navara EL có thật sự là sự lựa chọn tốt cho những ai cần một mẫu bán tải một cầu dành để đi lại chủ yếu ở các đô thị hay nhu cầu phục vụ kinh doanh đơn giản?
Thách thức đầu tiên dành cho Nissan không ai khác hơn là người đồng hương Mitsubishi Triton 4×2 AT, một đối thủ vốn khá kín tiếng nhưng rất đáng gờm và sẽ chẳng hề dễ dàng để Navara EL vượt qua.
Giá bán
Ngay ở hiệp đầu tiên của trận đấu, Triton 4×2 AT đã có được điểm số dẫn trước nhờ giá bán tốt hơn đối thủ. Cụ thể hai mẫu pick-up nhập khẩu từ Thái Lan có giá bán như sau:
Nissan Navara EL: 649 triệu đồng
Mitsubishi Triton 4×2 AT: 630 triệu đồng
Ngoại thất
Ở hạng mục kích thước, tuy thừa hưởng gần như trọn vẹn vẻ ngoài của người anh cả Navara VL, phiên bản EL tỏ ra không quá đồ sộ hơn so với Triton 4×2 quá nhiều. Soi kĩ hơn, mẫu bán tải của Nissan tuy có chiều dài cơ sở và khoảng sáng gầm xe tĩnh tốt hơn đối thủ đôi chút nhưng lại thua thiệt về dung tích thùng chứa hàng và khả năng xoay trở, bởi Triton sở hữu bán kính quay vòng tốt nhất phân khúc – 5,9 mét.
Xét đến phong cách thiết kế, có thể nói Navara EL sẽ “hợp cạ” với những ai ưa thích một con xe “gầm cao máy thoáng” và nhiều chất đàn ông. Trong khi đó Mitsubishi mang đến một chiếc pick-up thực dụng đi cùng dáng vẻ tinh tế phù hợp với nhiều “khung cảnh” sử dụng khác nhau, từ đường phố đông đúc cho đến những chuyến dã ngoại cuối tuần của cả gia đình.
Ở phần đầu xe, nếu Navara gây ấn tượng nhờ các khối “cơ bắp” ở nắp capo và cản trước thì Triton lại thể hiện sự sắc nét với các đường nét đan xen vào nhau cũng như lưới tản nhiệt mạ crôm cỡ lớn. Diện mạo hết sức đối lập là vậy nhưng về hệ thống chiếu sáng thì tương đồng hoàn toàn, khi cả hai cùng sử dụng đèn pha, đèn cốt Halogen cùng hai đèn sương mù, có chăng là Mitsubishi bố trí cụm đèn sương mù gần nhau và cao ráo hơn, giúp tăng tầm quan sát những khi thời tiết kém.
Quan sát từ bên cạnh, Navara EL tuy chỉ dài 5.255 so với 5.280 (mm) của Triton 4×2 AT hơn nhưng lại cho cái nhìn trường xe hơn đôi chút, đổi lại Triton tỏ ra sắc sảo và cá tíành hơn với vòm bánh xe cùng hai gân dập nổi lộ rõ trên thân xe. Và hai mẫu xe tiếp tục đáp trả nhau từng trang bị một, ngoài gương chiếu hậu tích mạ chrome hợp đèn báo rẽ giống đối thủ có thể chỉnh điện thì Navara EL có thêm chức năng gập điện, bên cạnh đó Nissan cùng Mitsubishi trang bị la-zăng hợp kim 16-inch cho hai mẫu bán tải.
Cách bố trí phía sau của hai đối thủ khác biệt đôi chút, bao gồm vị trí dãy đèn LED báo phanh, thiết kế bậc lên xuống và nắp chắn thùng hàng. Việc tiếp cận thùng hàng cũng như khả năng cảnh báo ở Navara EL thua thiệt đôi chút khi nơi bước chân đặt khá cao, đồng thời cụm đèn LED nằm ở nóc cabin nên dễ bị hàng hóa che khuất, rõ ràng hai yếu tố này đã được Mitsubishi xử lý tốt hơn. Điểm cộng mà Nissan mang đến là một mảng đuôi lướt gió thể thao ở nắp chắn thùng hàng, điều mà không mẫu bán tải nào ở Việt Nam có được.
Nội thất
Xét về không gian dành cho hành khách, tuy kém hơn đối thủ về chiều dài cơ sở nhưng cabin của Triton với thiết kế J-line lại tỏ ra thoáng đãng hơn đôi chút, ngoài ra theo đánh giá cá nhân thì cách bố trí của Mitsubishi cũng tỏ ra hợp lý và “thân thiện” hơn cho quá trình sử dụng lâu dài.
Navara EL và Triton 4×2 cùng có ghế ngồi bọc nỉ, mặt hạn chế của Nissan là họ sử dụng tone màu be thay vì tone màu tối ở Triton, tuy tạo cảm giác sáng và thoáng cho nội thất nhưng lại khá dễ bị lấm bẩn, nhất là vào mùa mưa ẩm ướt. Hàng ghế thứ hai của Triton gần như không có đối thủ trong phân khúc với độ ngả lưng 25 độ hết sức thoải mái. Bên cạnh đó, tuy có cùng khoảng để chân và không gian trần xe nhưng hành khách ngồi giữa phía sau của Navara EL nếu chẳng may không để ý sẽ rất dễ va phải khay để ly đặt ngay sát dưới mặt sàn và khiến chi tiết này hư hỏng.
Xét về thiết kế bảng tablo, cả Navara và Triton đều thể hiện sự thanh thoát với các đường nét uyển chuyển mở rộng về hai bên, khu vực bảng điều khiển trung tâm có các nút bấm bố trí gọn gàng và hợp lý thuận tiện cho cả người lái và bạn đồng hành bên cạnh sử dụng, riêng Triton 4×2 AT nhỉnh hơn với màn hình cảm ứng hiện đại.
Không chỉ vậy, vô-lăng ba chấu của Navara EL và Triton 4×2 AT đều mang tạo hình đặc trưng từ Nissan và Mitsubishi, nhưng cả hai không xuất hiện các nút bấm chức năng như ở các phiên bản cao cấp VL hay 4×4 AT MIVEC.
Tuy giá bán nhỉnh hơn đối thủ đôi chút nhưng Navara EL không quá vượt trội ở khía cạnh tính năng tiện nghi. Chẳng hạn như Nissan trang bị hệ thống giải trí gồm màn hình đen trắng, đầu đĩa 2 DIN, cụm 6 loa cho khả năng hỗ trợ MP3/AUX/USB thì Mitsubishi bám sát với màn hình cảm ứng, đầu CD/AUX/USB và 4 loa âm thanh.
Điểm mà Navara EL nhỉnh hơn Triton 4×2 AT rõ nhất có lẽ là hệ thống điều hòa, tuy cùng là kiểu chỉnh tay một vùng tự động nhưng Nissan bổ sung thêm chức năng lọc bụi bẩn và hốc gió dành cho hành khách phía sau, trang bị mà Mitsubishi không cung cấp.
Động cơ – Vận hành
Cùng sở hữu động cơ diesel dung tích 2.5L nhưng Nissan dừng như khá “rụt rè” khi chỉ đính kèm cho Navara EL bộ tăng áp Turbo VGS “tầm trung” thay vì kiểu công suất cao như ở hai phiên bản đàn anh SL và VL, vậy nên thông số hiệu năng của EL kém về mã lực so với Triton 4×2 AT và ngang ngửa về mô-men xoắn. Độ ồn khó mà nhận ra được sự khác biệt theo cách thông thường bởi nhìn chung cả hai đều cho cách âm ở mức chấp nhận được đối với xe dùng động cơ dầu, tiếng rào rào xuất hiện nhiều nhất là vào những khi thốc ga tăng tốc, tiếng rít gió và âm thanh từ các hốc bánh xe là không đáng kể.
Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận hành nhưng ít khi được nhắc đến chính là tự trọng bản thân, cụ thể Navara EL “cân nặng” 1.870 kilogam trong khi Triton 4×2 AT là 1.735 kilogam. Có thể thấy, sự nhanh nhạy linh hoạt chắc chắn không phải là thế mạnh của Navara EL nếu phải so kè với Triton 4×2 AT trên đường phố.
Tay lái trợ lực dầu tiếp tục là yếu tố mà Triton thề hiện tốt hơn đối thủ, từ cảm giác mặt đường, độ nhạy khi đánh lái cho đến lực đều được Mitsubishi chăm chút kĩ lưỡng. Về phía Navara, vô-lăng khá nặng và chỉ đáp ứng thao tác điều khiển ở mức tốt, đồng thời bộ lốp 255/70 dày hơn so với 245/70 nên cảm giác lái bị thiếu hụt đi đôi chút, chưa thể mang đến nhiều sự hứng khởi như những gì mà Triton làm được.
Hẳn nhiên, hệ thống treo sau đa liên kết với lò xo trụ ống giảm chấn của Navara EL sẽ mang đến nhiều sự êm ái hơn so với kiểu nhíp lá truyền thống của Triton, những đoạn mấp mô được xử lý khéo léo và tinh tế hơn đối thủ. Tuy vậy, tôi chú ý kĩ thì nhận ra rằng khi xe từ mức nửa tải trở lên thì việc dập tắt dao động của Triton lại nhanh, gọn và cho cảm giác cứng vững chắc chắn hơn nhờ kết cấu nhíp lá truyền thống.
Cách vận hành của hộp số có lẽ chính là điều khiến tôi khó xử hơn cả khi so sánh hai mẫu bán tải này, một bên là loại tự động 7 cấp, một bên là tự động 5 cấp thông minh. Đầu tiên hãy xem xét 7 cấp số của Navara EL – tính năng vượt trội so với các đối thủ ở cùng tầm giá, nhưng cách lập trình lựa chọn cấp số của Nissan khiến cho khi xe đi lại ở mức tải thấp (1-2 người và không có nhiều đồ đạc) khá gằn và lầm lì, nhất là những đoạn trong phố với tốc độ dưới 40 km/giờ chỉ dùng đến cấp số 2 hoặc 3 nên cảm nhận là chẳng hề dễ chịu. Chỉ đến khi Navara EL được đặt vào cao tốc hay các đoạn đường trường thì ưu điểm của hộp số mới lộ diện đầy đủ, xe tăng tốc tốt với gia tốc rộng, dù cho mỗi khi sang số ta có thể dễ dàng cảm nhận được. Yếu tố này cộng thêm “xác nặng” khiến cho mức tiêu hai nhiên liệu trung bình ở điều kiện đô thị của Navara EL là không được tốt cho lắm.
INVECS II là tên gọi của mẫu hộp số mà Mitsubishi trang bị cho hai phiên bản Triton số tự động. 5 cặp bánh răng không hẳn là gì đó quá đặc biệt, vừa đủ để đi lại hằng ngày trong phố xá cũng như phục vụ cho những chuyến đi xa cuối tuần. Nhưng điều quan trọng là khả năng phối hợp nhịp nhàng với cách dùng chân ga của người lái sẽ dần được ECU “học hỏi” và hoàn thiện sau một khoảng thời gian. Điều này mang đến cảm giác rằng Triton rất hiểu ý luôn sẵn sàng đáp ứng mong muốn của mình, dù là tăng tốc vượt mặt hay di chuyển nhàn nhã ở đô thị.
An toàn
Danh sách an toàn của hai đối thủ gần như tương đồng khi Triton 4×2 không trang bị hệ thống hỗ trợ phanh gấp BA so với đối thủ. Dẫu sao với từng ấy sự bảo vệ, hành khách ở cả hai mẫu bán tải có thể an tâm di chuyển ở những cung đường khác nhau.
Kết luận
Tuy ban đầu được định hướng sẽ trở thành một chiếc “SUV có thùng” với hệ thống treo linh hoạt, êm ái hơn hẳn đối thủ nhưng dường như ngoài điểm ấy, Navara EL vẫn còn đó khá nhiều chất bán tải bụi bậm, lầm lì và thích hợp cho mục đích đi xa cùng chuyên chở hàng hóa ở mức vừa phải bên cạnh “mã gen” pick-up đô thị có một không hai.
Trong khi đó đối thủ đồng hương Triton 4×2 AT thể hiện mình là một hình mẫu lý tưởng của pick-up tiện dụng, thiên về phục vụ cho các gia đình ở đô thị nhờ lợi thế về cabin rộng rãi, vận hành linh hoạt và tiết kiệm, bù lại kém về kích thước thùng hàng cũng như kích thước tổng thể.
Leave a Reply